Ngôi nhà của bà Hoàng Thị Lợi, 80 tuổi, nằm khuất trong ngõ nhỏ thuộc tổ 2, khu Nam Sơn, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả). Ngôi nhà được xây từ những năm 70 của thế kỷ trước nên tường gạch ba banh đã bong, tróc nhiều nơi. Nằm kế bên đầu hồi nhà là căn bếp đang có nguy cơ sập vì chỉ được đỡ tạm bằng chiếc cọc không được chôn xuống đất, mà được chèn bằng mấy viên gạch để có chỗ phủ bạt lên. Sức bà Lợi có hạn, bà chỉ làm được có vậy thôi.

Bữa cơm hàng ngày của hai bà cháu được nấu trong căn bếp tạm, từ đồng tiền nhặt đồ phế thải của bà Hoàng Thị Lợi.
Bữa cơm hàng ngày của hai bà cháu được nấu trong căn bếp tạm, từ đồng tiền nhặt đồ phế thải của bà Hoàng Thị Lợi.

Bà Lợi có tất cả 8 người con (2 người đã mất, 1 người sống ở TP Hải Phòng, còn 5 người sống ở TP Cẩm Phả), nhưng bà chẳng được nhờ con nào. Anh con trai cả là Đào Văn Nguyên đã về hưu. Giờ đây đồng lương hưu cũng không đủ để anh trang trải cuộc sống thậm chí còn lâm vào cảnh nợ nần vì anh phải lo rất nhiều tiền chạy chữa cho vợ bị bệnh ung thư vòm họng. Anh con trai thứ 2 là Đào Văn Quang, tỏ ra năng động với kinh tế thị trường hơn. Năm 2004, anh Quang khuyên mẹ bán ngôi nhà ở phường Hoà Lạc, TP Móng Cái (bà Lợi hiện vẫn mang hộ khẩu TP Móng Cái) để lấy tiền mua chiếc xe tải chở hàng. Số tiền còn lại, anh mua cho mẹ căn nhà nhỏ cạnh nhà anh ở tổ 2, khu Nam Sơn, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả). Công việc lái xe của anh chưa được 1 năm thì anh bị tai nạn giao thông đổ xe, phải cấp cứu ở bệnh viện. Khi ra viện, anh Quang bị ảnh hưởng não mất trí nhớ, có khi ra cách nhà khoảng 100m cũng bị lạc đường về. Chiếc xe bị tai nạn được bán rẻ để anh lấy tiền chữa bệnh và chi tiêu nhiều việc. Tiền hết, mà bệnh vẫn không khỏi, vợ anh cũng chán nản bỏ đi mà chẳng ai biết là đi đâu. Hiện anh Quang chẳng có thu nhập gì, thỉnh thoảng cậu con trai anh làm nghề tự do cho bố ít tiền, nhưng lúc có lúc không. Nhiều hôm bà Lợi còn phải nấu cơm nuôi anh qua ngày.

Những người con còn lại của bà Lợi người thì đã ốm chết, người thì nghèo không nuôi nổi mẹ. Hiện nay, bà Lợi sống với đứa cháu nội hiện đang học lớp 3A3, Trường Tiểu học Cẩm Sơn 1 (phường Cẩm Sơn) tên là Đào Hà Nam, con của người con trai thứ 6 là Đào Văn Ngô. Anh Ngô chết vì bạo bệnh khi con trai mới 9 tháng tuổi. Người vợ gửi con cho bà Lợi nuôi rồi bỏ nhà đi làm ăn, có khi vài năm không về thăm con một lần. Hiện nay, bà Lợi nuôi cháu bằng nghề nhặt rác. Hàng ngày bà đi khắp các điểm tập kết rác để nhặt vỏ chai, lọ thuỷ tinh, nhựa, giấy vụn… bán cho người thu mua phế liệu. Hôm nào may mắn thì bà kiếm được vài chục nghìn đồng, nếu không chỉ vài nghìn đồng, những hôm mưa to, hoặc đau yếu bà phải nghỉ và không có thu nhập gì. Có chút tiền nào là bà chi tiêu dè xẻn, vừa để dành đóng tiền học phí cho cháu.

Chúng tôi đến UBND phường Cẩm Sơn tìm hiểu thêm về bà Lợi, một lãnh đạo phường cho biết: “Hiện nay, bà Lợi vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP Móng Cái, còn cháu Nam thì theo hộ khẩu mẹ ở TP Hạ Long, nên rất khó cho chúng tôi giải quyết cho bà hưởng chế độ hộ nghèo hay phụ cấp cho người từ 80 tuổi trở lên theo chế độ Nhà nước, hoặc vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn giúp bà xây nhà mới, thay ngôi nhà hiện nay đã quá cũ nát. Hiện tại, phường chỉ có thể cố gắng giúp bằng cách tặng quà cho 2 bà cháu  vào các ngày lễ, tết…”.

Bà Lợi cho biết: “Các chú công an hướng dẫn tôi muốn chuyển khẩu cho cháu Sơn về phường Cẩm Sơn thì phải có mẹ cháu làm các thủ tục. Thế nhưng, tôi chẳng biết tung tích của mẹ cháu ở đâu nữa. Có bận tôi lần mò về tận phường Hà Tu (TP Hạ Long) hỏi tung tích mẹ của cháu, nhưng hàng xóm trả lời là “Không biết”. Thế nên đành chịu vậy. Trời thương đến đâu thì thương thôi….”. Với suy nghĩ ấy, hàng ngày bà Lợi lại lủi thủi đi nhặt rác bán lấy tiền để hai bà cháu sống qua ngày.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: